Thực phẩm được coi như "Thần dược" tốt cho mắt
Cà rốt là một loại rau rất quý vì có nhiều chất đường, vitamin và muối khoáng, đặc biệt là vitamin C và caroten là chất tiền vitamin A, khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A có tác dụng trên võng mạc mắt và giúp tăng thị lực.
Dân gian vẫn lưu truyền việc ăn nhiều cà rốt sáng mắt, vậy thực hư ra sao? Thực sự, cà rốt rất giàu beta-caroten, là tiền thân của vitamin A, nghĩa là sẽ chuyển hóa thành vitamin A sau khi được ăn vào. Là một nhóm nhỏ hợp chất có cấu trúc hóa học đồng nhất, vitamin A có mặt trong võng mạc, giữ vai trò quan trọng cho thị lực và cho việc thích nghi của mắt người và các loài động vật trong bóng tối.
Trong võng mạc, vitamin A liên kết với các protein và hấp thu mạnh mẽ các tia ánh sáng nhìn thấy được.
Trong 100g cà rốt có 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g xenluloza, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg– caroten
Các phụ huynh thường khuyên con cái nên ăn cà rốt để bổ mắt. Các nhà khoa học đã chứng minh điều này hoàn toàn có cơ sở bởi carotenoid trong loại củ này có khả năng đẩy lùi bệnh thoái hóa điểm vàng.
Theo Health, nhóm nhà khoa học từ Đại học Havard do Joanne Wu đứng đầu đã nghiên cứu mối liên hệ giữa carotenoid và bệnh thoái hóa điểm vàng. Họ xem xét dữ liệu của 63.000 phụ nữ và 39.000 đàn ông tuổi từ 50 trở lên trong giai đoạn từ 1984 đến 2010. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều carotenoid có tỷ lệ bị thoái hóa điểm vàng ít hơn 40%.
"Các loại carotenoid bao gồm beta cryptoxanthin, alpha carotene và beta carotene đều có vai trò bảo vệ", Wu cho biết. Bổ sung nhiều thực phẩm giàu carotenoid như cà rốt và khoai lang sẽ hạn chế 25-35% khả năng tiến triển của bệnh. Các dạng caroteinoid khác có tác dụng bảo vệ điểm vàng khỏi bị tổn thương bởi oxy và ánh sáng là lutein có trong trứng, rau lá sẫm màu hay zeaxanthin có trong ngô, kỷ tử.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, cà rốt còn là một vị thuốc tốt chữa được nhiều bệnh. Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu. Tăng cường khả năng sinh trưởng đối với trẻ em và đặc biệt tốt với những trường hợp tiêu chảy nhẹ trong việc hấp thụ vi khuẩn. Làm chậm nhu động ruột vì trong cà rốt có các chất ở dạng keo đặc biệt có tính chất hút thấm như pectin–xenluloza nở to ra sẽ hút các vi khuẩn coli và chui vào các nếp nhăn ở ruột, đẩy đi các ổ vi khuẩn, thức ăn ứ đọng ở đó, do đó làm mất các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, làm nhu động ruột trở lại bình thường.
Đối với phụ nữ, cà rốt còn có tác dụng làm da hồng hào và mịn. Những người đua ôtô và lái xe vận tải cũng được khuyên nên ăn cà rốt trước khi lái. Nhất là những chuyến đi đêm hay các nhà nghiên cứu phải làm việc khuya dưới ánh nắng điện cũng rất cần ăn cà rốt, vì vitamin A có tác dụng trên võng mạc mắt, giúp tăng thị lực.
Theo TS. Andy Brunning, giáo sư hóa học tại Đại học Cambridge (Anh Quốc), trong các tế bào thần kinh và trên lớp màng có liên kết với protein, mọi hình ảnh chuyển động đều được chuyển biến thành các xung điện, và các xung điện này sau đó được chuyển đến não thông qua các dây thần kinh thị giác để được chuyển trở lại thành hình ảnh.
Và do vậy, nói ăn cà rốt sáng mắt là điều đúng, nhưng lưu ý là sáng mắt chứ không phải là mắt sáng có thể nhìn rõ trong bóng đêm. Nếu thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến bệnh quáng gà hoặc mù hoàn toàn.
Trong số các loại rau trái khác cũng có chứa beta-caroten như đậu xanh, khoai lang, bí ngô, rau bina hoặc rau diếp, nhưng cà rốt vẫn giữ ngôi quán quân là giàu beta-caroten nhất.
Tuy cà rốt là một loại thức ăn ngon, bổ nhưng bạn không nên ăn nhiều vì nếu bạn ăn cà rốt nhiều và thường xuyên, cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại trong cơ thể gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan), chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các biểu hiện trên sẽ hết. Do vậy, bạn chỉ nên ăn hoặc uống nước ép cà rốt 2-3 lần/tuần. Người lớn ăn khoảng 100g cà rốt/lần, trẻ em ăn khoảng từ 30–50g cà rốt/lần.